Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

BỆNH ĐAU NHỨC TOÀN THÂN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bệnh đau nhức toàn thân (Fibromyalgia) là một căn bệnh kỳ lạ, gặp ở khá nhiều người. Trong 100 người chúng ta, có 2 đến 8 người bị (2-8%). Căn bệnh cho rất nhiều triệu chứng, có thể là đau nhức, mệt mỏi, khó ngủ, các triệu chứng thần kinh…

Người bệnh mắc phải chứng này thường xuyên phải chịu đựng những đau đớn, mệt mỏi. Tiếng Việt gọi nó là “bệnh đau gân cốt-bắp thịt”, hay để dễ hiểu hơn, “bệnh đau nhức toàn thân”. Phụ nữ mang bệnh đau nhức toàn thân nhiều hơn đàn ông. Bệnh hay bắt đầu trong khoảng tuổi 30-55, tuy có thể xuất hiện sớm ở trẻ con hoặc trễ ở người cao tuổi hơn.

Mọi lứa tuổi, phụ nữ luôn cảm nhận cái đau mạnh hơn đàn ông. (Chúng ta thấy, trước những niềm đau thể xác hay tinh thần, phụ nữ thường buồn khổ, mau nước mắt hơn đàn ông). Người có tuổi cảm nhận cái đau nhiều hơn người trẻ. Người ta chưa rõ có phải vì vậy, phụ nữ mang bệnh đau nhức toàn thân nhiều hơn đàn ông, và người có tuổi hay bị bệnh này hơn người trẻ tuổi. Bệnh có thể di truyền, đôi khi trong một nhà có nhiều người cùng bị.


Triệu chứng

Căn bệnh cho rất nhiều triệu chứng:

- Đau nhức

Bệnh gây đau ở nhiều chỗ, gần như chẳng chỗ nào không: đau khắp thân người, đau tay, đau chân, đau cả cột sống. Cái đau cảm thấy trên da (skin), trong bắp thịt (muscles), gân (ligaments), xương (bones). Nhiều điểm trên cơ thể người bệnh (gáy, cổ, vai, lưng, xương sườn, khuỷu tay, hông, đùi, đầu gối) đau thốn khi được ấn sờ trong lúc bác sĩ thăm khám. Có người chỗ nào cũng đau khi bị sờ đến.

Cái đau nó lại như có chân, nay chỗ này mai chỗ khác, khi nhiều khi ít. Đau tăng thêm vào những lúc trái gió trở trời, thời tiết thay đổi, hoạt động nhiều hơn bình thường, khi tinh thần căng thẳng, ngủ không ngon giấc, và lúc có kinh. Người bệnh thường thấy cứng người (stiffness) vào buổi sáng hoặc sau khi nằm, ngồi yên ở một vị thế hơi lâu. Vùng đau nhức như sưng lên, tuy thực sự, không có dấu chứng sưng phù ở vùng đau nhức.




- Mệt mỏi

Đa số người bệnh cảm thấy mệt mỏi. Có người gần như chẳng khi nào thấy khỏe, lúc nào cũng uể oải, không có sức làm việc. Có người mệt ít thôi, do vui vẻ chấp nhận cái mệt, vì cái mệt đã làm bạn với họ từ lâu lắm rồi, nên nay đã trở thành quen thuộc. 



- Khó ngủ

Gấc ngủ thường xuyên xáo trộn. Người bệnh khó dỗ giấc ngủ, hoặc hay thức giấc trong đêm. Giấc ngủ lại không sâu, sáng dậy vẫn có cảm giác mệt mỏi, ngủ không đủ. Ngủ không ngon giấc ban đêm càng làm tăng thêm cái đau nhức luôn có.

- Các triệu chứng thần kinh

Người bệnh hay bị nhức đầu căng thẳng (tension headache) hoặc nhức đầu một bên (migraine headache) hơn người bình thường. Một khảo cứu cho thấy 84% những người bệnh fibromyalgia than thấy tê (mất cảm giác hoặc có cảm giác như kiến bò). Chỗ nào trên cơ thể cũng có thể bị tê, và nay tê chỗ này mai chỗ khác. Có người thấy như nhiều chỗ trên cơ thể không đủ máu đến nuôi. Khó tập trung tư tưởng, đãng trí, hay quên cũng thường xảy ra.

- Nhạy cảm

Nhiều người bệnh đau nhức toàn thân rất nhạy cảm. Họ nôn nao khó chịu khi ngửi mùi (mùi thức ăn, mùi dầu thơm, ...), khi nhìn ánh sáng mạnh, khi nghe tiếng động lớn. Dùng thuốc, họ cũng hay bị thuốc gây phản ứng bất lợi.

Các triệu chứng khác

Khô mắt, nhìn những vật ở gần không rõ, chóng mặt, ... Có người nghẹt mũi, chảy mũi. Có người đau ngực, hồi hộp, khó thở.

Các triệu chứng tiêu hóa cũng thường xảy ra: khó nuốt, nóng ngực (heartburn), đầy hơi, ruột làm việc bất thường gây đau bụng, lúc tiêu chảy lúc bón. Có người đi tiểu nhiều lần, khó nín tiểu, đau vùng bọng đái. Phụ nữ có bệnh đau nhức toàn thân hay than đau vùng bụng dưới, đau bụng lúc có kinh, đau khi giao hợp.

- Các triệu chứng tâm thần

Người bệnh hay căng thẳng tinh thần (anxiety), hoặc buồn chán (depression), có thể vì bị đau nhức và mệt mỏi kinh niên năm này qua năm khác, song cũng có thể do các xáo trộn hóa học trên óc vừa gây bệnh đau nhức toàn diện, vừa gây bệnh căng thẳng tinh thần, buồn chán.

Tóm lại, người bệnh đau nhức toàn thân hay than: “Tôi nhiều bệnh lắm, bác sĩ có đủ thì giờ nghe tôi kể không?”, vì gần như cơ quan nào trong người cũng cho triệu chứng bất thường. Nhưng nổi bật vẫn là: “Ôi chao, tôi đau khắp cả người, lúc chỗ này khi chỗ khác. Tôi lúc nào cũng mệt mỏi, và có đêm nào ngủ ngon đâu”.


Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh đau nhức toàn thân chưa được hiểu rõ. Người ta cho rằng có thể bệnh xảy ra do sự rối loạn, làm việc bất thường của hệ thống thần kinh nội tiết.

Tất cả các hoạt động của chúng ta, thể chất hay tinh thần, đều được điều khiển bởi những hệ thống thần kinh nội tiết tinh vi của cơ thể (neuroendocrine system). “Công chúa đứt tay, ăn mày đổ ruột”, cùng một cái đau, mỗi người cảm nhận cái đau một khác. Người ta đặt giả thuyết, vì hệ thống thần kinh nội tiết rối loạn, nên người có bệnh đau nhức toàn thân cảm nhận cái đau nhiều hơn, chịu đau kém hơn người bình thường.
Gần như các cơ quan đều bị chi phối bởi hệ thống thần kinh nội tiết, nên sự kiện người bệnh đau nhức toàn thân hay có thêm những triệu chứng khác nữa, của nhiều cơ quan khác nhau, càng khiến người ta tin rằng sự làm việc lung tung của hệ thống thần kinh nội tiết quả là thủ phạm của loại bệnh này.

Nhưng cái gì tạo nên sự làm việc lung tung của hệ thống thần kinh nội tiết như vậy? Có thể do yếu tố di truyền, hệ thống thần kinh nội tiết của người bệnh đã yếu sẵn. Khi bị một thương tổn thể chất hay tinh thần (physical or psychological trauma) hoặc khi nhiễm trùng, hệ thần kinh nội tiết của họ thêm tổn thương, khiến nó bắt đầu thực sự trục trặc. Vì vậy, bệnh thường phát ra sau một sự việc gây tổn thương thể chất hay tinh thần, hoặc sau một cơn bệnh nhiễm siêu vi.

Cơ thể ta luôn bị vây quanh bởi những yếu tố có thể gây đau, thí dụ như ngồi lâu thì mỏi lưng, phơi nắng lâu ngoài bãi biển thì rát da, thất tình thì đau khổ, ...
Trên cơ thể ta, có muôn vàn những điểm tiếp nhận các cảm giác đau (pain receptors) dẫn truyền những tín hiệu đau về các hệ thống thần kinh nội tiết. Khi hệ thống thần kinh nội tiết làm việc bình thường, nó sẽ lọc lựa, và chỉ báo cho ta biết những cái đau lên quá một mức nào đó (pain threshold), còn những cái đau nho nhỏ, không đáng kể, nó sẽ không báo cho ta biết, và ta không cảm thấy đau. Nhưng nay nếu hệ thần kinh nội tiết bị trục trặc như trong trường hợp bệnh đau nhức toàn thân, nó sẽ liên tục báo cho ta biết mọi cái đau nó nhận được, không những thế, còn bé xé ra to, đau ít báo cáo đau nhiều, khiến ta cảm thấy đau nhiều hơn.
Vì đau đớn, người bệnh thường không dám vận động khiến cơ thể suy nhược, kém sức chịu đựng, nên càng dễ đau nhức. Đồng thời, khi hệ thần kinh nội tiết làm việc bất thường như vậy, nó cũng gây khó ngủ. Khó ngủ tự nó cũng gây nhức đầu, đau mỏi các bắp thịt, hoặc làm tăng thêm các đau nhức đang có sẵn. Ngược lại, đau nhức quá lại khó ngủ. Ở đây, ta gặp rất nhiều vòng lẩn quẩn. Cái trục trặc của hệ thần kinh nội tiết cũng khiến sự làm việc của nhiều cơ quan xáo trộn, gây nhiều triệu chứng khác biệt như đã kể trên.

Có điều người ta chưa chứng minh được giả thuyết “hệ thần kinh nội tiết trục trặc nên gây bệnh đau nhức toàn thân” này một cách trắng đen tách bạch, vì các thử nghiệm, trắc nghiệm hay phim chụp thông thường hiện tại không khám phá được gì bất thường trong cơ thể người bệnh. Các thử nghiệm tinh vi hơn đang được nghiên cứu. 


Chữa trị

Bệnh đau nhức toàn thân gây đau nhức, chúng ta khổ sở, nhưng thực sự không gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể. Bệnh kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, lúc nặng lúc nhẹ. Đến nay, chưa có cách nào chữa khỏi hẳn bệnh. Dưới đây là một số phương pháp để giảm đau nhức, mệt mỏi:

Thay đổi lối sống

Vai trò của giấc ngủ rất quan trọng trong bệnh đau nhức toàn thân: ngủ ngon, đau ít, ngủ không ngon, đau nhiều. Có rất nhiều phương cách giúp bạn ngủ ngon hơn: vận động đều đặn, tránh dùng thuốc lá, cà-phê, rượu, giữ phòng ngủ thoải mái (không nóng, không lạnh, không ồn ào, không ánh sáng), ...

Các căng thẳng tinh thần nên tối thiểu. Ở đời, không thể không lo, nhưng trong các cái lo lớn nhỏ, ta vẫn có thể khéo chọn cái để lo, cái vất sọt rác, cái... nhờ người khác lo dùm. Lo nhiều, căng thẳng lên cao, ta sẽ cảm nhận cái đau nhiều hơn.

Những ngày khỏe khoắn, bạn cứ bình tĩnh, từ từ, đừng ham công tiếc việc, phí sức, làm việc ào ào không ai can nổi, rồi sau đó mệt quá, đau thêm, lại nằm rên suốt mấy ngày kế tiếp. Ngược lại, vào những lúc đau nhiều, bạn có thể tìm những thú vui lành mạnh giúp quên đau. Khi say mê ta thấy bớt đau (nhưng đừng để những say mê khiến ta quên ăn, mất ngủ). 

Vận động

Tất cả các tài liệu viết về bệnh đau nhức toàn thân đều nhấn mạnh vai trò của vận động trong sự chữa trị bệnh này. Thuốc men có thể giúp bạn bớt đau nhức, nhưng tác dụng giảm đau của thuốc không kéo dài nếu bạn không thường xuyên vận động. Không thường xuyên vận động sẽ làm cơ thể suy nhược, thịt xương, gân cốt mất dẻo dai, khiến bạn thấy đau nhiều hơn.

Tốt nhất là những thể dục năng động (aerobic exercises) nhẹ (low-impact), ít đặt sức nặng trên xương cốt như bơi lội, vận động dưới nước (water exercise), đạp xe đạp tại chỗ (stationary bicycling), chèo thuyền... ở nhà (rowing machines).
Khởi đầu chỉ cần ngày tập ngày nghỉ, mỗi lần chỉ cần 5 phút. Ngày hôm sau nếu có hơi đau chút, không sao. Bạn từ từ tăng dần thời gian và mức độ vận động, cho tới khi bạn có thể vận động ít nhất 20-30 phút mỗi lần, ít nhất 4 lần mỗi tuần. Rồi, khi bạn đã lên được mức độ tập luyện như vậy, bạn có thể chuyển sang những vận động đặt sức nặng trên xương cốt (high-impact exercises) như đi bộ, chạy chậm chậm (jogging), đánh tennis. Kiên nhẫn là mẹ thành công bạn ạ. Nỗ lực vận động của bạn sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp sau vài tháng.

Không có một chương trình chữa trị như trên: Bạn hiểu rõ về căn bệnh, dùng thuốc đều theo đúng chỉ dẫn, thay đổi lối sống cho phù hợp với căn bệnh của mình và thường xuyên vận động - căn bệnh đau nhức toàn thân của bạn sợ khó thuyên giảm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét